Doanh nghiệp oằn mình vì điện, xăng, tỷ giá
Tỷ giá tăng 1% đẩy chi phí nguyên phụ liệu đầu vào dôi lên, cộng với những tác động từ việc điện, xăng tăng trước đó khiến một số doanh nghiệp có nguy cơ thua lỗ.
Gần một tuần sau quyết định tăng tỷ giá 1% của Ngân hành Nhà nước lên 21.673 đồng, thay vì mức 21.458 đồng một đôla Mỹ, giá mua bán USD trong các ngân hàng hiện đang dao động quanh 21.675-21.735 đồng. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cho rằng, tỷ giá tăng giúp việc mua ngoại tệ dễ dàng hơn và giải tỏa bớt yếu tố kỳ vọng, găm giữ. Bên cạnh đó, với quyết định này thì những doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có lợi. Tỷ giá tăng đồng nghĩa với lợi nhuận tính ra tiền đồng dôi lên.
"Nhưng điều đáng lo là khi tỷ giá tăng, các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu trong nước thường dựa vào đó để "té nước theo mưa" tăng giá nguyên liệu cao hơn tốc độ tăng tỷ giá. Trong khi đó sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp chưa thể tăng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ còn yếu", ông nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty giấy Sài Gòn cũng băn khoăn, nguyên phụ liệu dùng để sản xuất hiện nay chủ yếu là nhập khẩu nên khi tỷ giá tăng sẽ đẩy chi phí đầu vào lên cao.
Ông Vị cho biết, năm nay giấy Sài Gòn cần khoảng 14 triệu USD để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu. "Với mức tỷ giá tăng 1%, cộng với 1% điều chỉnh hồi đầu năm thì số chi phí tăng thêm từ biến động tỷ giá là khoảng 280.000 USD (gần 6,1 tỷ đồng). Giờ đến cuối năm, tỷ giá nếu tăng nữa thì công ty sẽ bị đội thêm chi phí và nguy cơ thua lỗ", ông Vị lo lắng.
Tổng giám đốc này còn cho rằng, chưa kể mới đây doanh nghiệp vừa hứng chịu hai đợt tăng giá của điện và xăng dầu. Điều này khiến chi phí đầu vào của sản phẩm tăng cao, làm mất tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa. "Với tình hình này, chúng tôi chỉ biết cố gắng tìm cách tiết giảm chi phí tối đa để hạ giá thành sản phẩm.
Mặt khác, ông Vị cho biết công ty đang có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu (phấn đấu đạt 30%) để bù đắp lại thiệt hại do tỷ giá dùng để nhập khẩu nguyên phụ liệu tăng.
Một số doanh nghiệp khác thì tỏ ra tiếc nuối vì đơn hàng thanh toán chậm so với quyết định tăng tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. "Ngay hôm tỷ giá được điều chỉnh, công ty đã ký hợp đồng mua phôi thép không gỉ của đối tác nước ngoài trị giá gần 20 triệu USD. Nếu biết trước tỷ giá tăng 1% sớm như vậy thì chúng tôi đã ký với đối tác mua nguyên liệu trước đó cả tuần rồi chứ không chần chừ dây dưa", giám đốc một công ty sản xuất thép tại Khu công nghiệp Tân Tạo (TP HCM) , bộc bạch.
Theo tính toán sơ bộ của bà, doanh nghiệp sẽ thiệt khoảng 200.000 USD (hơn 4,3 tỷ đồng) chỉ vì tỷ giá tăng. Chưa kể giá xăng dầu tăng gần 2.000 đồng và điện tăng 7,5% trước đó (ngành thép, điện chiếm 6-7% chi phí trong giá thành sản xuất phôi thép), trong khi sản phẩm bán ra không thể tăng.
Lãnh đạo một công ty sản xuất bánh kẹo tại quận 12, TP HCM cũng cho hay, với đợt tăng tỷ giá lần này, dù đã có sự chuẩn bị trước nhưng doanh nghiệp trở tay không kịp. Công ty ông có thể bị thiệt khoảng 180 triệu đồng cho một đơn hàng trị giá 800.000 USD vừa mới nhập về. Những thiệt hại này sẽ tác động vào giá thành, nhưng không phải khách hàng nào cũng dễ dàng chấp nhận sự điều chỉnh tăng giá của công ty. Còn nếu chấp nhận tăng cũng dễ gây ra sự tăng giá dây chuyền khiến sức tiêu thụ hàng chậm hơn.
Nhiều doanh nghiệp lo ngại tỷ giá thời gian tới tiếp tục tăng vì rơi vào thời điểm nhu cầu ngoại tệ tăng cao do nhập hàng sản xuất cuối năm, doanh nghiệp mua USD trả nợ vay tới hạn… Sức mua hiện nay vẫn còn khá yếu, nếu tỷ giá tăng tiếp thì thực sự hàng hoá của công ty sẽ rất khó bán ra, hàng tồn kho càng nhiều lên.
"Chúng tôi mong Ngân hàng Nhà nước có một lộ trình về việc tăng tỷ giá và điều chỉnh mức tăng hợp lý, tránh gây bất ngờ cho doanh nghiệp, đặc biệt từ giờ đến cuối năm cần đảm bảo sự ổn định về tỷ giá, lãi suất để các công ty yên tâm hoạt động”, ông Cao Tiến Vị nói.
Để hạn chế tối đa những thiệt hại do tỷ giá gây ra, một chuyên gia tài chính cho rằng, doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị ứng phó trước như lập quỹ dự phòng biến động tỷ giá; định kỳ đánh giá lại tài sản và nguồn vốn theo giá thị trường, hạn chế việc vay bằng ngoại tệ. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể thuyết phục đối tác nước ngoài đảm bảo quyền chuyển đổi đồng tiền thanh toán từ USD sang một số loại tiền khác như EUR, JPY...